Tính từ đầu tháng 10 đến nay theo ghi nhận từ các thương nhân kinh doanh lúa gạo của Việt Nam thì giá gạo xuất khẩu đang trụ vững ở mức cao. Cụ thể giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng thêm từ 5 – 7 USD cao hơn của các nước xuất khẩu gạo truyền thống từ 50 – 75 USD/tấn. Điều này đã khiến cho các giao dịch lúa gạo trên thị trường trở nên sôi động hơn và giá lúa trong nước cũng tăng lạc quan. Hiện các doanh nghiệp đang không ngừng đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu cuối năm ở các nước châu Âu, Mỹ cũng như ở các nước châu Á.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lạc quan
Dẫn nguồn của Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức lạc quan nhất so với giá chào bán của các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, đặc biệt là Thái Lan. Từ 3 tuần nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn neo trụ ở mức cao, trong khi giá gạo của Thái Lan đã phải điều chỉnh giảm 1 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và giảm 2 USD/tấn đối với gạo 5% tấm.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới tính từ đầu tháng 10.2021 đến nay vẫn ở mức 433-437 USD/tấn đối với gạo 5%, 408-412 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, 338-342 USD/tấn đối với gạo 100% tấm. Đặc biệt, gạo Jasmine của Việt Nam có giá 583-587 USD/tấn.
Như vậy, chỉ riêng gạo 5% tấm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn gạo các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Miến Điện với các mức giá tương ứng là 50 – 75 USD/tấn…
Theo các thương nhân kinh doanh lúa gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao khiến giao dịch trên thị trường nội địa sôi động trở lại, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đơn hàng xuất khẩu cuối năm, đón nhu cầu nhập khẩu của các nước để chuẩn bị cho các ngày lễ lớn là Noel và năm mới ở các nước Châu Âu (EU), Mỹ và Tết Nguyên đán ở các nước Châu Á.
Tình hình giá lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Giá lúa tại An Giang
Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào để chế biến, trả đơn hàng, kéo theo giá lúa trong nước tăng. Trong đó, tại An Giang, giá lúa nếp vỏ (khô) bất ngờ quay đầu giảm 200 đồng/kg, xuống mức 6.600 – 6.900 đồng/kg. Trong khi đó lúa OM 5451 lại tăng 200 đồng, lên mức 5.500 – 5.700 đồng/kg.
Các giống lúa khác được thu mua giá ổn định gồm: OM 18 ở mức 5.700 đồng/kg; Nếp Long An (khô) 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) 5.700 – 5.900 đồng/kg; OM 380 (tươi) 5.300 – 5.400 đồng/kg; Nàng hoa 9 giá 6.000 – 6.100 đồng/kg; lúa Nhật 7.500 – 7.600 đồng/kg; Lúa IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Lúa Nàng Nhen (khô) 11.500 – 12.000 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo khá ổn định. Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 17.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Sóc thường 13.500 – 14.000 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; Cám 8.000 đồng/kg; gạo Nhật 20.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-11.500 đồng/kg.
Giá lúa tại Kiên Giang
Tương tự tại Kiên Giang, sau khi điều chỉnh tăng mạnh nay cũng duy trì ổn định ở mức cao, trong đó, IR 50404 (tươi) 5.300-5.400 đồng/kg; OM 5451 (tươi) 5.600-5.700 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 6.200-6.500 đồng/kg… Với giá gạo, sau phiên điều chỉnh giảm hôm qua nay đi ngang ở mức 8.200-8.300 đồng/kg với gạo NL IR 504; 9.150-9.200 đồng/kg với gạo TP IR 504; tấm 1 IR 504 cũng ổn định 7.600 đồng/kg và cám vàng là 7.600-7.650 đồng/kg.