Giá dầu thế giới tăng tác động rất nhiều đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Giá dầu tăng giúp đất nước tăng thu ngân sách từ dầu thô. Bên cạnh đó, còn giúp tăng thu gián tiếp từ các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng dần tăng theo. Điều này cũng góp phần tác động tới các ngành sản xuất trong nước do đây là nhiên liệu đầu vào. Theo như cập nhật của Global Petro Prices ngày 25 tháng 10 cho thấy giá xăng Việt Nam tuy thấp hơn 12% so với giá trung bình thế giới, nhưng cũng đã gia tăng đáng kể so nhiều nước khác trong khu vực.
Tình hình giá xăng tại Việt Nam

Theo trang thống kê cập nhật giá xăng dầu bán lẻ của gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ Global Petro Prices, ngày 25/10, giá xăng Việt Nam ghi nhận là 1,081 USD/lít. Mức này thấp hơn 12% so với mức trung bình thế giới (hiện là 1,23 USD/lít). Xếp thứ 64. Nhiều năm qua, Việt Nam thường nằm trong top 40 danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới.
Hồi tháng 4/2020, Global Petro Prices từng cung cấp dữ liệu cho thấy. Giá xăng của Việt Nam thấp thứ 20 trên thế giới. Như vậy sau một năm rưỡi, giá mặt hàng này đã tăng cao, đẩy xếp hạng của Việt Nam xuống 40 bậc. Trong nhóm các nước ASEAN, giá xăng Việt Nam đang cao hơn 2 quốc gia láng giềng là Malaysia (0,494 USD/lít), Indonesia (0,795 USD/lít) và thấp hơn Thái Lan (1,211 USD/lít), Lào (1,337 USD/lít).
Tình hình giá xăng của các nước khác trên thế giới
Venezuela vẫn là quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới, chỉ 0,001 USD/lít. Iran xếp thứ 2 với 0,06 USD/lít. Trong khi đó, người dân Hong Kong (Trung Quốc) đang phải chi 2,648 USD để mua 1 lít xăng. Mức cao nhất thế giới. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng những nước có giá xăng đắt đỏ nhất, người Hà Lan phải chi ít hơn 14% so với Hong Kong.

Theo đánh giá của Global Petro Prices, các quốc gia cùng tiếp cận giá xăng chung của thế giới. Nhưng tại từng thị trường, giá bán lẻ khác nhau do chính sách thuế và trợ giá khác biệt. Trên thực tế, các nước có nguồn cung dầu lớn thường sẽ có giá nhiên liệu thấp. Còn các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu sẽ chịu mức giá bán lẻ cao hơn.
Dầu thô trở thành xăng như thế nào?
Xăng, dầu diesel và nhiều loại nhiên liệu khác được sản xuất từ dầu thô. Loại nhiên liệu hóa thạch được ví như “vàng đen” được bơm lên từ trong lòng đất. Nhiều sản phẩm gia dụng gồm nhựa, chất tẩy rửa và quần áo cũng có nguồn gốc từ nguồn tài nguyên không thể tái tạo này.
Giá dầu thô cao ảnh hưởng đến một số ngành, từ vận tải đến sản xuất. Dầu thô được phân loại theo độ dày (nặng, trung bình và nhẹ) và hàm lượng lưu huỳnh (ngọt – lưu huỳnh thấp, chua – lưu huỳnh cao). Dầu thô ngọt nhẹ là loại cấp độ cao nhất, được tìm kiếm nhiều nhất.
Dầu thô Brent và WTI (West Texas Intermediate) là tiêu chuẩn toàn cầu cho dầu thô ngọt nhẹ. Dầu thô Brent được khoan ngoài Biển Bắc giữa Vương quốc Anh và Na Uy trong khi WTI được lấy từ các mỏ dầu của Mỹ. Dầu được khai thác từ các mỏ dầu sẽ được vận chuyển đến những nhà máy lọc dầu khác nhau. Sau đó đưa vào lò chưng cất thành các loại nhiên liệu và sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm nhẹ hơn bao gồm khí dầu mỏ hóa lỏng có thể chiết xuất ở nhiệt độ thấp trong khi những sản phẩm nặng nhất, trong đó có nhựa đường, được chiết xuất ở nhiệt độ cao hơn nhiều.
Xem thêm nhiều tin tức mới nhất về Thông tin kinh tế tại đây.